ĐỪNG LỢI DỤNG DỊCH VIÊM PHỔI NHIỄM VIRUS CORONA ĐỂ TRỤC LỢI

Trong thời gian này, khi dịch viêm phổi nhiễm virus Corona đang có những diễn biến phức tạp, đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng thì việc chính quyền, các lực lượng chức năng can thiệp, xử lý hành vi găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý hoặc hành vi đầu cơ, tích trữ các loại hàng hóa thiết yếu để phòng dịch như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, xử lý hành vi sản xuất dung dịch rửa tay pha cồn với nước là hành động rất cần thiết và đúng quy định của pháp luật.

Tính riêng ngày 10/02, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 65 cơ sở kinh doanh, sản xuất thiết bị y tế vi phạm, trong đó xử lý 14 cơ sở, xử phạt 4.500.000 đồng, tạm giữ 123.415 chiếc khẩu trang, 1.756 chai gel nước rửa tay và 150kg nước rửa tay khô.

Cộng dồn từ ngày 31/1 đến ngày 10/2/2020, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.659 nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế vi phạm.

Theo Luật sư tư vấn pháp lý của công ty Luật TNHH 2TV Khởi Nguyên hành vi găm hàng, tích trữ, tăng giá bán khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn và sản xuất dung dịch rửa tay pha cồn với nước để bán trục lợi khi dịch viêm phổi nhiễm virus corona đang xảy ra là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Đối với hành vi găm hàng, đầu cơ hàng hóa tức là việc các chủ cơ sở kinh doanh có khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn nhưng cố tình không bán cho người dân có nhu cầu mua, hay có hành vi mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính, các hành vi này đã vi phạm các quy định về hoạt động thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.Chế tài xử lý các hành vi này được quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP và Nghị định số 141/2018/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (gọi tắt là Nghị định 185/2013/NĐ-CP).

Hành vi găm hàng được quy định cụ thể tại Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Theo Khoản 2 Điều này quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh mà không có lý do chính đáng: Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; Ngừng bán hàng hóa ra thị trường; Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.

Mặt khác, theo Khoản 3 Điều 47 quy định “cơ sở kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó”.

Ngoài ra, cơ sở kinh doanh có hành vi găm hàng như trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm theo Khoản 4 Điều 47.

Về trường hợp đầu cơ hàng hóa, Điều 46 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh.
Mức phạt tiền có thể tăng lên tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa bị đầu cơ, tích trữ, theo đó nếu hàng hóa bị đầu cơ, tích trữ có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên, mức phạt cao nhất được áp dụng là từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Đồng thời cơ sở kinh doanh bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi đầu cơ, tích trữ bất hợp pháp đó.

Cá nhân hoặc pháp nhân thương mại nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh mua vét hàng hóa nhằm bán lại để thu lợi bất chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự 2015. Tuy nhiên, theo Điều 196 BLHS 2015, để cấu thành Tội đầu cơ thì hàng hóa được mua vét trong tình hình dịch bệnh phải là hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Theo quy định của Luật giá 2012 (Điều 15, Điều 19) và Nghị định 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giá thì khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá và cũng không thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Do vậy, việc mua vét khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn chưa đủ yếu tố để cấu thành Tội đầu cơ theo quy định hiện hành, mà các hành vi này cần thiết phải bị xử lý nghiêm bởi các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong các quy định nêu trên.

Trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách phải xử lý trách nhiệm hình sự về Tội đầu cơ đối với hành vi nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xem xét đưa mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn vào danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá. Theo Điều 15 Luật giá 2012 quy định của, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Vậy trường hợp tăng giá bán khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn thì xử lý như thế nào?

Theo Luật sư tư vấn, nhiều cơ sở kinh doanh còn tăng giá bán khẩu trang bất hợp lý gấp nhiều lần giá giao dịch thông thường trong thời gian liền kề trước đó để trục lợi. Hành vi này đã vi phạm các quy định về quản lý giá của nhà nước.

Cụ thể, Khoản 2, Điều 10 Luật Giá 2012 nghiêm cấm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, thông đồng về giá dưới mọi hình thức để trục lợi.

Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Đồng thời còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Ngoài những vấn đề liên quan đến việc lợi dụng mùa dịch Corona để găm hàng, đầu cơ, tăng giá sản phẩm thì có không ít trường hợp, các cơ sở kinh doanh sản xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn bằng cách  pha loãng cồn với nước để bán ra thị trường. Đối với trường hợp này, theo Luật sư nếu xác định số tiền người bán trục lợi dưới 30 triệu đồng thì sẽ xử phạt hành chính theo Điều 10 Nghị định 185/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ và hành vi mà người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự nếu trị giá hàng hóa làm giả theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 30 triệu đồng trở lên.

Người bị truy cứu theo Điều 192 Bộ luật Hình sự sẽ bị phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù cao nhất 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.

 

Leave Comments

***
***