Tháng bảy 29, 2024

Hệ thuộc luật “mối liên hệ gắn bó nhất” trong xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng

-2023(1)
Trong bối cảnh toàn cầu hóa 4.0, khi tầm quan trọng của hợp đồng quốc tế ngày càng tăng, vấn đề giải quyết xung đột pháp luật đối với hợp đồng quốc tế đang được chú trọng hơn bao giờ hết. Khái niệm “mối liên hệ gắn bó nhất” được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, sử dụng để xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng, tuy nhưng còn khá mơ hồ và phức tạp. Tham khảo pháp luật châu Âu và Hoa Kỳ, tác giả đưa ra đề xuất hoàn thiện các quy định Việt Nam hiện hành.

1. Khái niệm hệ thuộc luật “mối liên hệ gắn bó nhất”

Để hiểu hệ thuộc luật “mối liên hệ gắn bó nhất” là gì, trước tiên cần làm rõ hiện tượng xung đột pháp luật trong hợp đồng. Về nguyên tắc, xuất phát từ các yếu tố liên quan đến chủ quyền quốc gia, các quan hệ hợp đồng nội địa (tức không có yếu tố nước ngoài) sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của quốc gia đó. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng có yếu tố nước ngoài, nguyên tắc tôn trọng và bình đẳng chủ quyền quốc gia trong luật quốc tế đòi hỏi các hợp đồng này sẽ phải chịu sự điều chỉnh của nhiều hơn một hệ thống pháp luật. Giả sử một hợp đồng mua bán nhà ở Việt Nam, trong đó người bán là công dân Việt Nam, và người mua là công dân Nhật Bản. Hợp đồng được ký kết tại Nhật Bản và các bên thỏa thuận áp dụng pháp luật Hoa Kỳ. Có thể thấy, đây là quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài, và có thể được điều chỉnh bởi pháp luật của cả Việt Nam, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Hiện tượng trên trong tư pháp quốc tế gọi là xung đột pháp luật. Để định nghĩa một cách rõ ràng, xung đột pháp luật là trong một tình thế (trạng thái) nhất định mà hai hay nhiều hệ thống pháp luật đều có thể điều chỉnh một quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài xảy ra trên thực tế [1]. Tuy nhiên, do sự khác biệt về kinh tế, chính trị, văn hóa… pháp luật của mỗi quốc gia sẽ mỗi khác. Trong khi đó, khi giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng quốc tế, để đảm bảo sự thống nhất thì ta chỉ có thể áp dụng một hệ thống pháp luật duy nhất. Như vậy, một câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào Tòa án có thể xác định được cụ thể pháp luật nào mới là pháp luật điều chỉnh đối với các hợp đồng quốc tế? Để giải quyết vấn đề trên, các nhà lập pháp đã phát triển nên khái niệm “hệ thuộc luật”.

Theo đó, nói một cách đơn giản, hệ thuộc luật là quy tắc chỉ ra hệ thống pháp luật của quốc gia nào sẽ được áp dụng. Có rất nhiều kiểu hệ thuộc luật khác nhau, như hệ thuộc luật nơi có tài sản (Lex rei sitae), hệ thuộc luật nơi thực hiện hành vi (Lex loci actus), hay hệ thuộc luật nơi có quốc tịch (Lex nationalis),… và tương ứng với mỗi kiểu hệ thuộc luật là một cách xác định pháp luật áp dụng. Hệ thuộc luật nơi có mối liên hệ gắn bó nhất (sau đây gọi là “hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất”) là một trong số các kiểu hệ thuộc luật.

Có thể hiểu “mối liên hệ” ở đây là mối liên hệ giữa quan hệ hợp đồng với một quốc gia trên thực tế. Đi từ mặt ngữ nghĩa bình thường, hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất là cách xác định pháp luật dựa trên quốc gia có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng. Hay nói cách khác, khi sử dụng hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất để giải quyết xung đột pháp luật, pháp luật được áp dụng sẽ là pháp luật của quốc gia có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng.

Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu theo cách hiểu như trên thì khái niệm hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất còn khá mơ hồ. Quay trở lại ví dụ tác giả đưa ra về hợp đồng mua bán nhà ở trên. Giả sử hệ thuộc luật nơi có tài sản được sử dụng, thì pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật Việt Nam. Hay giả sử hệ thuộc luật nơi các bên thỏa thuận lựa chọn (Lex voluntatis) được sử dụng, thì pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất được sử dụng, Tòa án sẽ phải đối diện với một câu hỏi lớn đó là: Quốc gia nào mới là quốc gia có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng trong trường hợp này?

Do đó, cần phải tiếp cận khái niệm “hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất” không chỉ từ mặt ngữ nghĩa bình thường mà còn từ góc độ pháp lý. Đã có nhiều văn bản pháp luật quốc tế cũng như nước ngoài ghi nhận cũng như cụ thể hóa và giải thích yếu tố “mối liên hệ gắn bó nhất” trong xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng được hiểu như thế nào. Vì vậy, nội dung tiếp theo sẽ tập trung phân tích các quy định của pháp luật quốc tế cũng như nước ngoài, cụ thể là pháp luật châu Âu và Hoa Kỳ.

2. Cách xác định yếu tố “mối liên hệ gắn bó nhất” từ kinh nghiệm của pháp luật châu Âu và Hoa Kỳ

2.1. Pháp luật châu Âu

Đầu tiên phải kể đến Công ước Rome 1980 về Luật áp dụng đối với các nghĩa vụ theo hợp đồng của Liên minh châu Âu (sau đây gọi là “Công ước Rome”). Hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất được ghi nhận tại khoản 1 Điều 4 Công ước Rome như sau: Trong trường hợp không có sự lựa chọn của hai bên trong hợp đồng, hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi luật của nước mà nó có liên hệ gắn bó nhất.

Để xác định mối liên hệ gắn bó nhất, khoản 1, khoản 2 Điều 4 giải thích: Nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng được cho là nơi bên thực hiện “nghĩa vụ đặc trưng” của hợp đồng cư trú tại thời điểm ký kết hợp đồng. Tiếp theo, Công ước Rome 1980 “xác định sẵn” nơi nào được xem là nơi có mối liên hệ gắn bó nhất trong hai trường hợp cụ thể. Khoản 3 quy định: Đối với hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì nơi có mối liên hệ gắn bó nhất là nơi có bất động sản. Khoản 4 quy định: Đối với hợp đồng vận chuyển hàng hóa, nếu nơi có trụ sở của bên vận chuyển cũng là (i) nơi bốc hàng, hoặc (ii) nơi dỡ hàng, hoặc (iii) nơi có trụ sở của bên giao hàng, thì nơi có mối liên hệ gắn bó nhất là nơi có trụ sở của bên vận chuyển.

Đến năm 2008, quy tắc Rome I về Luật áp dụng đối với các nghĩa vụ theo hợp đồng (sau đây gọi là “quy tắc Rome I”) được xây dựng nhằm thay thế Công ước Rome 1980. Theo đó, cách xác định mối liên hệ gắn bó nhất của Quy tắc Rome I ngược lại so với Công ước Rome 1980. Thay vì đi từ định nghĩa chung trước, sau đó đi đến một vài trường hợp cụ thể riêng thì quy tắc Rome I lại đi từ các trường hợp cụ thể trước, nếu không rơi vào các trường hợp này thì mới quay trở lại định nghĩa chung. Khoản 1 Điều 4 Quy tắc Rome I xác định rõ nơi nào được xem là nơi có mối liên hệ mật thiết nhất đối với tám hợp đồng sau: (a) đối với hợp đồng mua bán hàng hoá thì là nơi người bán cư trú; (b) đối với hợp đồng cung cấp dịch vụ thì là nơi nhà cung cấp dịch vụ cư trú; (c) đối với hợp đồng liên quan đến bất động sản thì là nơi có bất động sản; (d) tuy nhiên, đối với hợp đồng thuê bất động sản cho sử dụng riêng tạm thời trong thời gian không quá sáu tháng liên tục thì là nơi chủ bất động sản cư trú; (e) đối với hợp đồng nhượng quyền thì là nơi người nhận nhượng quyền cư trú; (f) đối với hợp đồng phân phối thì là nơi người phân phối cư trú; (g) đối với hợp đồng mua bán hàng đấu giá thì là nơi cuộc đấu giá diễn ra; (h) đối với hợp đồng mua, bán quyền lợi tài chính, phù hợp với quy định không tùy nghi và chi phối bởi một luật duy nhất, sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật đó[2].

So sánh với Công ước Rome 1980 thì các loại hợp đồng cụ thể mà quy tắc Rome I liệt kê là cụ thể và đa dạng hơn nhiều. Và trong trường hợp hợp đồng không rơi vào một trong tám trường hợp được liệt kê ở trên, hoặc rơi vào nhiều hơn một thì theo khoản 2 Điều 4, pháp luật áp dụng sẽ được quay về xác định theo định nghĩa chung, là nơi bên thực hiện “nghĩa vụ đặc trưng” của hợp đồng cư trú. Như vậy, mặc dù không quy định cụ thể nhưng từ các trường hợp được liệt kê tại khoản 1 Điều 4 và từ ngoại lệ tại khoản 2 thì có thể thấy quy tắc Rome I vẫn gián tiếp sử dụng định nghĩa, tiêu chí “nơi cư trú của bên thực hiện nghĩa vụ đặc trưng”.

Không chỉ ở quy mô khu vực mà ở cả góc độ các quốc gia, hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất cũng được các quốc gia châu Âu thừa hưởng và ghi nhận. Đơn cử như Bulgaria, tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật Tư pháp quốc tế: Trong trường hợp không có thỏa thuận chọn luật áp dụng, luật áp dụng sẽ là luật của quốc gia có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng[3]. Khoản 2 đi vào định nghĩa quốc gia có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng là quốc gia bên thực hiện nghĩa vụ đặc trưng của hợp đồng cư trú tại thời điểm xác lập hợp đồng[4]. Thụy Điển cũng quy định tương tự tại khoản 1 Điều 117 Luật Tư pháp quốc tế[5]. Tư pháp quốc tế Bỉ thì dẫn chiếu trực tiếp đến Công ước Rome 1980 tại khoản 1 Điều 98 Luật Tư pháp quốc tế thay vì nội luật hóa[6].

Có thể thấy để định nghĩa thế nào là mối liên hệ gắn bó nhất thì pháp luật châu Âu đã đưa ra một khái niệm mới, đó là “nghĩa vụ đặc trưng”. Tuy nhiên, “nghĩa vụ đặc trưng được hiểu như thế nào? Đây cũng là một khái niệm mơ hồ không kém mối liên hệ gắn bó, và việc xác định yếu tố “nghĩa vụ đặc trưng” cũng không dễ dàng hơn so với xác định mối liên hệ gắn bó. Thậm chí đối với một số loại hợp đồng, việc xác định bên nào thực hiện nghĩa vụ đặc trưng là không thể. Chẳng hạn như hợp đồng trao đổi hàng hóa (barter of goods), không thể xác định nghĩa vụ của bên nào là đặc trưng hơn[7]. Chính vì lý do trên mà cách giải thích này đã gặp nhiều ý kiến trái chiều phê phán[8].

Tóm lại, theo tinh thần của pháp luật châu Âu thì để xác định yếu tố “mối liên hệ gắn bó nhất”, ta có hai phương thức: Cách thứ nhất, đưa ra định nghĩa chung về mối liên hệ gắn bó nhất. Theo đó, nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng sẽ được cho là nơi bên thực hiện “nghĩa vụ đặc trưng” của hợp đồng cư trú. Và cách thứ hai, liệt kê một số loại hợp đồng cụ thể và xác định “sẵn” nơi có mối liên hệ gắn bó nhất tương ứng với từng loại hợp đồng cụ thể đó.

2.2. Pháp luật Hoa Kỳ

Hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất được pháp luật Hoa Kỳ ghi nhận tại Điều 188 Tài liệu Diễn giải xung đột pháp luật Thứ hai (The Second Restatement of Conflict of Laws 1971, sau đây gọi là “Tài liệu Diễn giải Thứ hai”), quy định về luật áp dụng trong trường hợp thiếu thỏa thuận hiệu quả của hai bên. Trong trường hợp thiếu sự thỏa thuận chọn luật áp dụng hiệu quả của hai bên, pháp luật được áp dụng sẽ là pháp luật nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với giao dịch dân sự đó và hai bên giao kết, xác định dựa trên các nguyên tắc nêu tại Điều 6.

Khoản 2 Điều 6 Tài liệu Diễn giải Thứ hai đặt ra bảy tiêu chí cần phải xem xét khi xác định luật áp dụng đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung, gồm: (a) Nhu cầu của hệ thống pháp luật liên bang và quốc tế; (b) Các chính sách liên quan của nơi có tòa án; (c) Các chính sách liên quan của các bang/quốc gia liên quan khác và lợi ích của các bang/quốc gia liên quan đó; (d) Việc bảo vệ các nguyên vọng chính đáng; (e) Các chính sách, nguyên tắc cơ bản của ngành luật cụ thể liên quan; (f) Sự chắc chắn, dự đoán trước được và thống nhất kết quả; (g) Mức độ dễ dàng trong xác định luật áp dụng[9].

Tuy nhiên, bảy tiêu chí nêu trên chỉ mang tính định hướng chung nhất. Và tùy vào từng trường hợp mà mức độ quan trọng của từng tiêu chí sẽ khác nhau. Ví dụ như trong hợp đồng thì tiêu chí “bảo vệ các nguyên vọng chính đáng” đóng vai trò rất quan trọng trong xác định luật áp dụng, nhưng trong lĩnh vực ngoài hợp đồng thì không (do hiếm khi các bên thỏa thuận trước luật áp dụng đối với nghĩa vụ ngoài hợp đồng). Do vậy, khoản 2 Điều 188 Tài liệu Diễn giải Thứ hai đã cụ thể hóa quy định chung trên tại Điều 6, liệt kê ra năm tiêu chí cần phải xem xét khi xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng quốc tế nói riêng, trong trường hợp không có thỏa thuận luật áp dụng, gồm: (a) nơi xác lập hợp đồng; (b) nơi đàm phán hợp đồng; (c) nơi thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; (d) nơi có tài sản là đối tượng của hợp đồng; (e) nơi cư trú, thường trú, nơi có quốc tịch, nơi làm việc của các bên trong hợp đồng.

Như vậy, tư pháp quốc tế Hoa Kỳ không đi vào định nghĩa mối liên hệ gắn bó nhất là gì như pháp luật châu Âu, cũng như không liệt kê một số loại hợp đồng cụ thể và “dự đoán trước” nơi có mối liên hệ gắn bó nhất tương ứng với từng loại hợp đồng cụ thể đó. Thay vào đó, tư pháp quốc tế Hoa Kỳ tập trung đặt ra các tiêu chí để xem xét, sau đó trao quyền cho tòa án dựa trên các tiêu chí đó để xác định mối liên hệ gắn bó nhất theo từng vụ việc (case-by-case).

2.3. Kinh nghiệm rút ra

Nhìn chung, hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất được ghi nhận khá rộng rãi trong pháp luật quốc tế, và chỉ được sử dụng khi không có thỏa thuận chọn luật áp dụng giữa hai bên trong hợp đồng. Và để xác định yếu tố “mối liên hệ gắn bó nhất”, pháp luật các nước xây dựng nhiều phương thức khác nhau:

Cách thứ nhất, liệt kê ra các loại hợp đồng cụ thể và đặt ra các giả định về nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với từng loại hợp đồng tương ứng. Điển hình cho cách thức này là Quy tắc Rome I. Hình dung việc xây dựng pháp luật là sự cân bằng giữa tính cụ thể và tính mềm dẻo thì cách thức này là cách thức mang tính cụ thể nhất, tuy nhiên cũng kém mềm dẻo nhất. Pháp luật là nhằm để điều chỉnh các quan hệ xã hội thực tế, tuy nhiên pháp luật mang tính tĩnh, còn thực tế mang tính động, thay đổi liên tục. Việc liệt kê tất cả các loại hợp đồng tồn tại đã dường như là không thể, chưa kể đến việc xác định sẵn mối liên hệ gắn bó nhất cho từng loại hợp đồng tương ứng.

Cách thứ hai, đưa ra một định nghĩa chung về mối liên hệ gắn bó nhất. Điển hình cho cách thức này là Công ước Rome 1980. Đây là cách thức tuy mềm dẻo nhất, nhưng lại kém tính cụ thể vô cùng. Một cách định nghĩa phổ biến cho “nơi có mối liên hệ gắn bó nhất” của pháp luật nhiều quốc gia là “nơi bên thực hiện nghĩa vụ đặc trưng của hợp đồng cư trú”. Định nghĩa này bất cập ở chỗ, nó giải thích một khái niệm mơ hồ bằng một khái niệm khác cũng mơ hồ không kém, đó là “nghĩa vụ đặc trưng”. Tuy nhiên, do bản chất của khái niệm mối liên hệ gắn bó nhất đã mơ hồ sẵn nên dường như pháp luật các nước muốn đưa ra một định nghĩa khác cụ thể hơn cũng không thể.

Cách thứ ba, đặt ra những tiêu chí khác nhau để tòa án dựa vào đó xác định mối liên hệ gắn bó nhất. Điển hình cho cách thức này là tư pháp quốc tế Hoa Kỳ, quy định trong Tài liệu Diễn giải Thứ hai. Đây là cách thức vừa tương đối cụ thể mà cũng vừa tương đối mềm dẻo. Tòa án sẽ dựa trên các tiêu chí được quy định, và trên sự lập luận của các bên cũng như Thẩm phán, từ đó xác định mối liên hệ gắn bó nhất theo từng vụ việc. Đề cao vai trò của thẩm phán trong việc giải quyết xung đột là một nguyên tắc mà được pháp luật quốc tế và nhiều quốc gia thừa nhận. Tuy nhiên, cách thức này cũng có khuyết điểm đó là tạo cho thẩm phán một khoảng quyền năng đôi khi quá rộng, dẫn đến sự không thống nhất, mất công bằng khi xác định pháp luật áp dụng.

Do mỗi cách thức trên đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng, đa số các hệ thống pháp luật trên thế giới sẽ sử dụng kết hợp các cách thức để loại trừ khuyết điểm của nhau.

3. Quy định pháp luật Việt Nam

Như đã tìm hiểu ở nội dung trước, hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất là một hệ thuộc luật tương đối phổ biến trong pháp luật nước ngoài. Tuy nhiên, tư pháp quốc tế Việt Nam trước đây, cụ thể là BLDS 2005, chưa có quy định nào liên quan đến việc sử dụng hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất để giải quyết xung đột pháp luật trong hợp đồng quốc tế. Điều khoản duy nhất có sử dụng thuật ngữ “quan hệ gắn bó nhất” là khoản 2 Điều 760 về xác định pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch, người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài.

Đến BLDS 2015, hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất trong xác định luật điều chỉnh đối với hợp đồng được tư pháp quốc tế Việt Nam quy định tại Điều 683. Cụ thể, tại khoản 1, trường hợp các bên không có thỏa thuận thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng sẽ được áp dụng. Có thể thấy, quy định này của khoản 1 Điều 683 khá tương thích với pháp luật quốc tế ở điểm, hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất chỉ được sử dụng khi không có thỏa thuận nào về lựa chọn pháp luật áp dụng giữa hai bên trong hợp đồng.

Khoản 2 Điều 683 tiếp tục chỉ rõ thế nào là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất đối với từng loại hợp đồng cụ thể. Theo đó: (a) đối với hợp đồng mua bán thì là nơi người bán cư trú; (b) đối với hợp đồng dịch vụ thì là nơi người cung cấp dịch vụ cư trú; (c) đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ thì là nơi người nhận quyền cư trú; (d) đối với hợp đồng lao đồng thì là nơi người lao động thường xuyên làm việc; (e) đối với hợp đồng tiêu dùng thì là nơi người tiêu dùng cư trú. Trong trường hợp hợp đồng không rơi vào một trong năm trường hợp được liệt kê sẵn, pháp luật áp dụng đối với hợp đồng sẽ được xác định theo nguyên tắc chung được quy định tại khoản 3 Điều 664 BLDS 2015: Trường hợp không thể xác định được pháp luật áp dụng theo điều ước quốc tế hoặc luật Việt Nam, và các bên cũng không có thỏa thuận chọn luật, thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.

Tóm lại, hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất được tư pháp quốc tế Việt Nam sử dụng để xác định luật áp dụng đối với hợp đồng trong trường hợp các bên trong hợp đồng không lựa chọn luật áp dụng. Để xác định yếu tố “mối liên hệ gắn bó nhất” thì tư pháp quốc tế Việt Nam không đưa ra định nghĩa cũng như tiêu chí để đánh giá mà sử dụng cách thức liệt kê một số loại hợp đồng cụ thể và đặt ra các giả định về nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với tương ứng với từng loại hợp đồng đó. Đây là cách thức được Quy tắc Rome I sử dụng. Và trong trường hợp hợp đồng nằm ngoài sự “dự liệu”, tức không thuộc một trong các loại hợp đồng đã được liệt kê, thì việc xác định luật áp dụng sẽ quay về nguyên tắc chung: pháp luật sẽ được xác định theo mối liên hệ gắn bó nhất.

4. Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Mặc dù tư pháp quốc tế Việt Nam ghi nhận hệ thuộc luật mối liên hệ gắn bó nhất trong xác định pháp luật đối với hợp đồng, tuy nhiên lại chưa có quy định nào giải thích một cách hiệu quả yếu tố “mối liên hệ gắn bó nhất” được hiểu như thế nào. Như đã đề cập ở trên, tư pháp quốc tế Việt Nam chỉ sử dụng cách thức liệt kê một số loại hợp đồng cụ thể và đặt ra các giả định về nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với tương ứng với từng loại hợp đồng đó để giải nghĩa yếu tố “mối liên hệ gắn bó nhất”, mà không đưa ra định nghĩa cũng như tiêu chí để đánh giá nào.

Khuyết điểm lớn nhất của cách thức liệt kê đó là, sẽ không thể tránh khỏi tình trạng liệt kê thiếu, trong khi bản chất của hợp đồng quốc tế lại đa dạng vô cùng. Thực tế sẽ phát sinh rất nhiều trường hợp hợp đồng không thể xếp vào bất cứ loại nào trong năm loại hợp đồng được liệt kê sẵn ở Khoản 2 Điều 683, đơn cử như hợp đồng chuyển nhượng vốn góp. Do vậy, để xác định pháp luật áp dụng trong trường hợp này, bắt buộc phải quay về nguyên tắc chung tại khoản 3 Điều 664 BLDS 2015: pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó. Khi đó, Tòa án sẽ gặp nhiều khó khăn xác định yếu tố “mối liên hệ gắn bó nhất”, do không có văn bản nào khác định nghĩa, giải thích, hướng dẫn khái niệm này, ngoại trừ năm trường hợp được liệt kê tại khoản 2 Điều 683.

Trên cơ sở bất cập trên, tác giả xin đưa ra đề xuất: BLDS 2015 nên bổ sung thêm quy định giải thích mối liên hệ gắn bó nhất tương tự như khoản 2 Điều 4 Công ước Rome 1980. Theo đó, nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng sẽ được hiểu là nơi bên thực hiện nghĩa vụ đặc trưng của hợp đồng cư trú. Bên cạnh đó, BLDS 2015 cũng có thể bổ sung các tiêu chí để đánh giá khái niệm mối liên hệ gắn bó nhất, các tiêu chí để đánh giá khái niệm “nghĩa vụ đặc trưng”, tương tự như khoản 2 Điều 188 Tài liệu Diễn giải Thứ hai 1971 của Hoa Kỳ. Dựa vào các tiêu chí đó, Tòa án sẽ xác định “mối liên hệ gắn bó nhất” hay “nghĩa vụ đặc trưng” theo từng vụ việc. 

TRƯƠNG KỲ DANH (Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)